Mặc dù chiếm 61% thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhưng dường như Trung Quốc (TQ) vẫn là thị trường mà ít doanh nghiệp (DN) mặn mà, thậm chí không ít nông dân, DN bày tỏ thẳng thắn cái nhìn thiếu thiện cảm với thị trường này. Vậy, cần phải nhìn nhận TQ là thị trường tiềm năng hay ẩn chứa nhiều rủi ro, bất ổn?
Quen Đi Đường Tắt
Nhắc đến thị trường TQ, không chỉ các DN mà ngay cả các chuyên gia kinh tế đều rất thận trọng, thế nhưng phải thừa nhận rằng: Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng của chúng ta.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng việc TQ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất là điều bình thường và tự nhiên vì TQ là nước láng giềng với Việt Nam, nền kinh tế lớn nên nhu cầu lớn.
Lý do khiến thị trường này luôn bị cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, là vì thói quen xuất hàng qua đường tiểu ngạch của ta.
“Thị trường TQ có đặc điểm là bên cạnh các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch có rất nhiều thương lái của TQ có quan hệ với cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Theo đó, thương lái thâm nhập thị trường, mua, nâng giá, có hành động lũng đoạn thị trường. Trên thực tế, rất nhiều DN đã bị hớ, bị lừa, cứ thấy họ trả giá cao là sẵn sàng gom sản phẩm để bán, kể cả những sản phẩm tưởng chừng vô giá trị” – ông Doanh phân tích.
Cùng chung quan điểm này, TS. Phạm Tất Thắng lưu ý: TQ là thị trường lớn nhưng do không nắm bắt kỹ đối tác nên nhiều doanh nghiệp, thương nhân Việt bị phía đối tác thương lái lừa.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là do chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Do thương nhân quen làm ăn buôn bán trao tay, có nghĩa khi phía doanh nghiệp Việt gom được ít hàng, thương lái đẩy giá lên cao nhưng khi có nhiều hàng họ lại hạ giá xuống để kiếm lời.
Không hề xem nhẹ thị trường TQ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thậm chí còn đánh giá cao khi khẳng định “đây là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cảnh báo về việc xuất hàng qua những kênh không chính thống, “những kênh mà cơ quan quản lý của cả 2 nước không ký kết giao thương cũng như không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Do đó, chỉ cần bên mua hủy kèo hay xiết chặt nhập khẩu, lập tức bên bán gặp khó” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Chúng ta cần phải thống nhất quan điểm là thị trường TQ rất quan trọng, phải có thông tin về nó và cần phải bỏ dần, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch, xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp TQ để đưa hàng hóa Việt Nam vào trong hệ thống phân phối TQ”, ông Doanh cho biết.
Trung Quốc Đã Hết “Dễ Tính”
Với quan điểm “TQ là thị trường dễ tính”, gần đây nhiều DN đã “ngã ngửa” khi nhận được thông tin: từ ngày 1/4/2018, DN TQ khi làm thủ tục thông quan các lô hàng trái cây từ Việt Nam phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì.
Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả…
Điều này có nghĩa trái cây xuất khẩu đi TQ cũng cần có nguồn gốc xuất xứ, nơi đóng gói rõ ràng chứ không thể thu gom trôi nổi rồi cứ thế mang đi bán như thời gian qua. Nông dân cũng không thể duy trì cách sản xuất không có quy trình, không có ghi chép vì không đáp ứng tiêu chuẩn thu mua.
Trước đó, phía TQ đã từng rút giấy phép xuất khẩu của 3 DN gạo VN do vi phạm quy định nước bạn. Hình thức quản lý này tương tự các thị trường “khó tính” khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… do đó, DN muốn làm ăn lâu dài phải tự kiểm soát chất lượng, thực hiện đúng những gì đã cam kết, tự bảo vệ thương hiệu.
Từ việc Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu gạo tiểu ngạch để hướng đến nhập khẩu chính ngạch, các cơ quan quản lý và DN Việt đã nhận ra thị trường này không hề “dễ tính”.
Nếu nông dân và DN Việt vì cái lợi trước mắt, chiều theo sự “dễ tính” khi thu mua của các thương lái Trung Quốc thì sẽ lãnh đủ khi nhà chức trách Trung Quốc gia tăng kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch để giảm thất thu thuế và kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu.
Không riêng gì Trung Quốc, bất cứ thị trường nào cũng tiềm năng hoặc tiềm ẩn rủi ro, cách duy nhất là chúng ta tự cứu mình, bằng cách: Tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, nâng cao chất lượng sản phẩm và điều phối nhịp nhàng giữa thị trường trong nước với thị trường xuất khẩu. Có như vậy nông sản Việt mới chấm dứt được bài ca “được mùa – mất giá” và đàng hoàng bước ra thế giới.
Theo Nguyễn Tố (Dân Việt)
(Nguồn: https://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/thi-truong-trung-quoc-mien-dat-hua-hay-vung-dat-du-c52a951811.html)