Những công việc quan trọng nhất đẩy nhanh thành quả công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc đang diễn ra tại một nhà máy xi măng cũ, cách xa Silicon Valley Trung Quốc.
Ở nhà máy ấy, máy trộn bê tông vẫn để chỏng trơ giữa sân. Những khay chứa hợp chất melamine được xếp chồng lên nhau ở một nhà kho cạnh bên.
Bên trong nhà máy, Hou Xiameng điều hành một công ty giúp hiện thực hóa tham vọng về trí tuệ nhân tạo của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân. Hơn 20 người trẻ đang ghi nhãn các hình ảnh, video về tất cả những gì họ thấy hàng ngày. Đó là xe hơi. Kia là đèn giao thông. Đấy là bánh mì, là sữa, là sô cô la. Kia là dáng đi của con người.
Hou, 24 tuổi, chia sẻ rằng cô từng nghĩ rằng máy móc là những thiên tài. Nhưng giờ đây cô nhận ra chính con người mới đem đến trí tuệ thiên tài đó cho chúng.
Saudi Arabia Của Dữ Liệu
Tại Trung Quốc, công xưởng lâu đời của thế giới, một thế hệ mới của những lao động giá rẻ đang vun đắp nền móng cho tương lai. Những start-up ở các thành phố nhỏ đã nổi lên và thực hiện việc lưu trữ, cung cấp thông tin cho hệ thống giám sát khổng lồ của Trung Quốc. Như một chuyên gia so sánh, nếu Trung Quốc là Saudi Arabia của dữ liệu, các doanh nghiệp này sẽ là các nhà máy lọc dầu, biến dữ liệu thô thành nhiên liệu cho những tham vọng về trí tuệ nhân tạo của quốc gia này.
Phần đông công chúng cho rằng Mỹ – Trung đang cạnh tranh cho uy thế về A.I và Trung Quốc đang là bên có những thuận lợi nhất định. Chính phủ Trung Quốc ủng hộ rộng rãi các công ty A.I về cả tài chính lẫn cam kết chính trị. Những start-up của nước này chiếm 1/3 thị phần thị giác máy tính (phương pháp phân tích dữ liệu đa chiều từ thế giới thực) trên toàn cầu, vượt qua cả Mỹ. Các tài liệu học thuật tại đây được trích dẫn thường xuyên hơn trong các nghiên cứu. Ở một thông báo về chính sách, chính phủ Trung Quốc cho rằng quốc gia hơn 1,4 tỷ dân sẽ dẫn đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo vào năm 2030.
Quan trọng nhất, chính phủ và các công ty Trung Quốc có thể hưởng quyền truy cập các núi dữ liệu nhờ vào những quy định không mấy mạnh mẽ liên quan đến quyền riêng tư. Vượt ra ngoài những gì mà Facebook, Google và Amazon đã tích lũy, các doanh nghiệp Internet tại Trung Quốc có thể lấy được nhiều thông tin hơn vì người dân nước này có thói quen sử dụng di động cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống hay xem phim.
Những “Thợ Xây” Trong Thế Giới Số
Tuy nhiên, phần nhiều kết quả trong đó vẫn chưa rõ ràng. Giấy tờ và bằng sáng chế Trung Quốc có thể bị đặt nghi vấn. Tiền chính phủ có thể bị lãng phí. Cuộc đua A.I chưa chắc là trò chơi có tổng bằng không, bên chiến thắng chưa chắc đã chiếm được lợi phẩm. Dữ liệu sẽ trở nên vô dụng trừ khi ai đó có thể phân tích và thiết lập danh mục cho nó.
Tuy nhiên, khả năng gắn thẻ dữ liệu có thể là thế mạnh thật sự của A.I Trung Quốc. Ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo cung cấp một góc nhìn về viễn cảnh tương lai mà chính phủ đã hứa từ lâu: nền kinh tế được xây dựng dựa trên công nghệ chứ không phải sản xuất.
“Chúng tôi là những thợ xây trong thế giới số, đặt từng viên gạch này lên viên gạch khác. Nhưng chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên A.I hiện nay. Không có chúng tôi, người khác không thể mơ tới các tòa nhà chọc trời”, Yi Yake, đồng sáng lập một nhà máy ghi nhãn dữ liệu tại phố Giáp (Jiaxian), trung tâm tỉnh Hà Nam (Henan), Trung Quốc, trả lời New York Times.
Mặc dù những cỗ máy A.I là những người học siêu nhanh, giải thành thục các phép tính phức tạp, chúng lại thiếu đi sự nhận thức mà ngay cả đứa bé 5 tuổi cũng có. Trẻ nhỏ biết những con vật nào gọi là chó, vật thể nào là xe hơi.
A.I phải được dạy. Nó phải tiêu thụ một lượng lớn các hình ảnh và video được gắn thẻ trước khi nó nhận thức rằng cả mèo trắng lẫn mèo đen đều là mèo. Đây là điều mà các nhà máy dữ liệu và các nhân viên ở đấy đang hướng đến.
Những người gắn nhãn đã giúp Alnnovation, công ty A.I ở Bắc Kinh, sửa chữa hệ thống thu ngân tự động của mình cho một chuỗi cửa hàng bánh Trung Quốc.
Khách hàng có thể tự đặt bánh của họ dưới máy quét và thanh toán mà không cần sự trợ giúp từ người khác. Nhưng gần 1/3 thời gian, hệ thống đã gặp lỗi khi nhầm các loại bánh với nhau do ảnh hưởng bởi ánh sáng của tiệm cũng như chuyển động con người. Khi những người gắn nhãn làm việc với các bức hình mà cửa hàng cung cấp, công việc có thể chính xác đến 99%, theo chia sẻ từ Liang Rui, quản lý dự án của Alnnovation.
“Tất cả trí thông minh nhân tạo được gây dựng bởi sức lao động của con người”, ông Liang nói tiếp.
Alnnovation có chưa đến 30 nhân viên gắn nhãn, nhưng sự bùng nổ của các start-up dán nhãn đã giúp công ty sắp xếp được công việc. Vào một lần, ông Liang cần 20.000 bức hình của một siêu thị được dán nhãn dữ liệu trong 3 ngày. Các đồng nghiệp đã giúp ông hoàn thành chúng từ sự trợ giúp của các nhà máy dữ liệu chỉ với vài nghìn USD.
Việc Làm Tốt Cho Lao Động Giá Rẻ
“Chúng tôi đã làm tại những dây chuyền lắp ráp cách đây 10 năm”, ông Yi, đồng sáng lập một nhà máy dữ liệu tại Hà Nam, cho biết. Các nhà máy dữ liệu đang dần hiện hình ở những khu vực cách xa các thành phố lớn, nơi mà giá lao động lẫn giá thuê văn phòng đều rẻ.
Nhiều công nhân ở các nhà máy đó đã từng làm việc tại các dây chuyền lắp ráp và xây dựng nơi các thành phố lớn. Nhưng việc làm dần cạn kiệt, mức lương tăng chậm lại, và nhiều người Trung Quốc ngày càng thích sống gần nhà hơn.
Ông Yi, 36 tuổi, nhận ra rằng công việc gắn thẻ A.I này không nhất thiết phải giỏi về kỹ thuật nhưng cần lao động giá rẻ, điều mà tỉnh Hà Nam rất dồi dào.
Tháng Ba, ông cùng bạn bè mình thành lập Ruijin Technology thuê văn phòng rộng bằng hai sân bóng rổ chuyên nghiệp trong một khu công nghiệp với mức phí 21.000 USD mỗi năm.
Ruijin, nghĩa là đồng vàng thông minh, hiện có 300 công nhân, dự định sẽ nâng con số đó lên 1.000 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, thời điểm mà nhiều lao động về quê.
Không giống như nhiều doanh nghiệp trên thế giới, Yi không lo lắng rằng A.I sẽ cướp đi công việc của mình.
“Những cỗ máy không đủ thông mình để tự nó học hỏi”, Yi trả lời.
Tuyển Dụng Là Mối Quan Ngại Lớn Hơn.
Khoản lương 400 – 500 USD mỗi tháng ở Ruijin cao hơn mức trung bình ở phố Giáp. Một số ứng viên tiềm năng lo rằng họ không biết gì về A.I. Những người khác thấy công việc này nhàm chán.
Jin Weixiang, 19 tuổi, cho biết anh sẽ bỏ Ruijin sau Tết Âm lịch này và đi bán đồ nội thất ở một cửa hàng phía nam Quảng Châu.
Nhưng đối với một số dân di cư trước đây, công việc này tốt hơn so với khi làm trên các dây chuyền lắp ráp.
“Đó cùng là một công việc, cùng thao tác, ngày này qua ngày khác. Nhưng giờ thì tôi phải sử dụng não hơn một chút”, Yi Zhenzhen, nhân viên 28 tuổi tại Ruijin từng làm cho một công ty linh kiện điện tử chia sẻ.
Phục Vụ Mục Đích Gì?
Hầu hết khách hàng không nói rõ chức năng của nhãn dán cho các nhà máy dữ liệu biết. Một số đã khá hiển nhiên, ví dụ ghi nhãn biển báo, đèn giao thông, người đi bộ… thường dành cho xe tự lái; ghi nhãn các loại hoa trà để phục vụ cho các công cụ tìm kiếm.
Khi Ruijin được giao ghi nhãn hàng triệu miệng người, ông Yi đã không chắc làm thế nhằm mục đích gì. Liệu có phải chúng hỗ trợ cho việc nhận diện gương mặt?
Nhà máy dữ liệu trên nền nhà máy xi măng cũ của Hou Xiameng cách đó 300 dặm về phía bắc, tại thành phố Hà Bắc. Công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp của cô là ghi nhãn khuôn mặt cho Megvii, công ty nhận diện gương mặt trị giá 2 tỷ USD của Trung Quốc, nổi tiếng với nền tảng công nghệ Face++.
Đến hôm nay, một số hệ thống nhận ra mặt Hou trước khi nhận diện được mặt của bạn bè cô. Theo Hou chia sẻ, khuôn mặt cô đã nằm sẵn trong cơ sở dữ liệu gốc.
Cô và chồng chưa cưới, Zhao Yacheng, quyết định chuyển về quê mở một nhà máy dữ liệu, tránh cuộc sống tốn kém ở Bắc Kinh. Họ đang cải tạo nhà kho bên cạnh để thuê thêm 80 người nữa.
Cũng như ông Yi, Hou không mảy may suy nghĩ về những tác động đến từ công việc này.
“Camera khiến tôi cảm thấy an toàn. Bây giờ chúng ta nằm dưới sự kiểm soát của máy móc”, Hou nói.
Minh Đức
Theo New York Times
(Nguồn https://news.zing.vn/nhung-cong-nhan-gia-beo-phia-sau-cong-nghe-ai-cua-trung-quoc-post895723.html)