Lâm Diệp Trân là du học sinh đang theo học ngành năng lượng tái tạo ở cả hai bậc đại học và thạc sĩ tại Đại học Stanford, Mỹ. Trung tâm tư vấn du học Mỹ – Hotcourses đã phỏng vấn nam sinh này và những dòng chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn tường tận hơn về trải nghiệm dạy và học ngành năng lượng tái tạo tại ngôi trường top đầu thế giới
Chào Trân, Hành Trình Nào Đã Đưa Bạn Đến Stanford Học Năng Lượng Tái Tạo Ở Cả Hai Bậc Cử Nhân Lẫn Thạc Sĩ?
Xin chào, mình là Lâm Diệp Trân. Mình đã học ngành năng lượng tái tạo mảng công nghệ ở bậc đại học và hiện tại mình đang theo học bậc thạc sĩ mảng chính sách và tài chính tại đại học Stanford.
Ban đầu, mình đã có ý định học để làm bác sĩ bởi mình muốn chữa bệnh. Từ ý định này, mình trở về Việt Nam sau khi kết thúc năm nhất đại học để trải nghiệm quy trình hoạt động của bệnh viện và môi trường tại đây. Mình theo chân một cô bác sĩ tại bệnh viện ở TPHCM và nhận thấy rằng một ngày cô tiếp xúc với khoảng 100 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân sẽ được khám tầm 2-3 phút, sau đó được kê toa thuốc rồi đi. Trong khi khắp cả nước sẽ chỉ có một vài bệnh viện chất lượng, các bác sĩ phải làm việc rất vất vả bởi số lượng bệnh nhân quá nhiều, và việc chỉ khám rồi kê thuốc sẽ không thể giải quyết hết ngọn nguồn vấn đề sức khỏe. Mình bắt đầu suy nghĩ vì sao người ta lại có bệnh, nguyên nhân gốc rễ của bệnh là gì?
Mình nhận ra con người mắc nhiều bệnh do môi trường sống xung quanh họ tiếp xúc từng ngày, từng giờ đang bị ô nhiễm. Do vậy, sang năm thứ hai đại học, mình bắt đầu học một vài lớp liên quan tới môi trường và đó cũng là khi mình nhận thức được hiện tượng biến đổi khí hậu đang liên tục diễn ra. Mình tiếp tục đặt ra câu hỏi điều gì gây nên biến đổi khí hậu và làm sao để ứng phó? Qua gần hai năm học hỏi và ngẫm nghĩ, mình tìm được câu trả lời đó là sự gia tăng kỉ lục của lượng khí thải CO2 trên thế giới. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng lớn khiến lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng theo. Chính vì vậy, giải pháp cho vấn đề này đó là thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Năng lượng là một vấn đề lớn bởi các giải pháp về công nghệ chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề mà còn phụ thuộc nhiều và chính sách khuyến khích và nguồn lực tài chính. Mình cảm thấy 2 năm rưỡi bậc đại học chưa đủ, do vậy, mình tiếp tục học lên thạc sĩ để nghiên cứu về mảng chính sách và cách áp dụng.
Có Sự Kiện Nào Đặc Biệt Đã Tác Động Đến Định Hướng Của Bạn Không?
Vào năm 3 đại học, mình có tới Bắc Kinh theo chương trình trao đổi của trường. Khoảng thời gian đó gần với giai đoạn Bắc Kinh ô nhiễm ở mức báo động, cả thành phố phải ngừng hoạt động 3 ngày. Bởi vậy, khi học ở đây và hàng ngày tiếp xúc với các thông tin về ô nhiễm không khí, mình cảm nhận rõ mức độ ô nhiễm môi trường như thế nào và càng thúc đẩy mình phải tìm kiếm, học tập để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng sạch. Sống ở Bắc Kinh nửa năm tạo điều kiện cho mình tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong ngành.
Bạn Có Thể Chia Sẻ Ưu Thế Và Cấu Trúc Chương Trình Đào Tạo Ngành Năng Lượng Tái Tạo Ở Đại Học Stanford?
Ban đầu, điều khiến mình chọn đại học Stanford đó là ước mơ được trở thành bác sĩ không biên giới, được chữa bệnh cho người nghèo. Ước mơ này xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của mình với hệ thống y tế và mình hiểu được trách nhiệm cần phải học tập, cống hiến như thế nào. Đại học Stanford nuôi dưỡng những cá nhân biết lan tỏa sức mạnh tri thức của mình ra thế giới, biết tận dụng những nguồn tài nguyên có được để giúp đỡ mọi người. Điều này phù hợp với tính cách và hướng đi của mình.
Về cấu trúc chương trình, khóa học được chia thành 3 phần chính bao gồm công nghệ, chính sách và tài chính. Chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cần hiểu rõ về 3 “trụ cột” này. Thế giới đã có những phát minh công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến nhưng vẫn chưa được áp dụng ở quy mô cần thiết vì thiết kế chính sách và nguồn lực tài chính.
Ở bậc cử nhân mình tập trung vào học những tín chỉ mà khoa yêu cầu, chủ yếu là về công nghệ năng lượng, và những lớp Đông Á Học để mình hiểu về sự phát triển của xã hội Châu Á. Ở bậc thạc sĩ, vì đã học những lớp được khoa yêu cầu những năm cử nhân nên giờ đây mình có thể thoải mái chọn những lớp mình thích.Vì Đại học Stanford bao gồm rất nhiều trường trực thuộc, nên bên cạnh việc học ở trường của mình (School of Earth, Energy, and Environmental Sciences), mình được phép học ở các trường khác như trường kinh tế (Graduate School of Business), trường luật (Law School), trường kĩ sư (School of Engineering). Vì mình cảm thấy chỉ học về công nghệ không thôi chưa đủ, mình chủ động tìm các khóa học liên quan tới ngành của mình ở các trường đó để theo học.
Về môi trường học tập tại Stanford, trường tập trung nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo thế giới. Do vậy, phương pháp dạy học ở đây chủ yếu dạy sinh viên cách tư duy, cách lãnh đạo, cách học và cả các kĩ năng cho việc học tập trọn đời, để khi tiếp xúc với môi trường toàn cầu hóa có nhiều sự biến đổi, sinh viên sẽ biết cách học những điều mới như thế nào, làm sao để tự chọn con đường cho mình.
Thông tin trên hẳn bạn đọc đã có thêm kiến thức và động lực để thực hiển giấc mơ du học của mình rồi, dụ học tại trường danh giá của Mỹ cũng không mấy khó khăn, bạn hãy tham khảo thêm các trung tâm tư vấn du học nổi tiếng như: IDP, USIS Education, INEC, du học Á Châu,VISCO, Blue Sea, VNPC,… để có thông tin tổng quát và đầy đủ nhất.