Theo Tổ chức Tình báo kinh tế, kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát vào năm 2008, Bulgaria là quốc gia thể hiện khả năng yếu kém nhất trong Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực tạo dựng công ăn việc làm cho người dân.
Dù vậy, “xứ sở hoa hồng” là một trong những điểm đến ưa thích mà nhiều người dân châu Âu lựa chọn du lịch hoặc định cư tại Bulgaria. Với mức chi phí sinh hoạt thấp, quốc gia hơn 7 triệu dân này giống như một khu nghỉ dưỡng hấp dẫn dành cho những người sắp nghỉ hưu hoặc muốn bắt đầu cuộc sống mới.
Thiên Đường Xinh Đẹp
Đất nước hoa hồng Bulgaria là một trong những điểm đến ưa thích mà nhiều người dân châu Âu lựa chọn. Với mức chi phí sinh hoạt thấp, quốc gia hơn 7 triệu dân này giống như một khu nghỉ dưỡng bí ẩn dành cho những người sắp nghỉ hưu hoặc muốn bắt đầu cuộc sống mới. Ước tính có ít nhất 10.000 người Anh đang sống ở đây, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều do phần lớn không đăng ký với chính quyền địa phương.
Tina và Kevin Brassington là hai trong số những người coi đất nước này là nhà. Họ từng là giảng viên đại học ở Kent nhưng đã từ bỏ mức lương hậu hĩnh để về đây mở một trang trại hữu cơ giữa vùng nông thôn Bulgaria. Điền trang nằm trong một ngôi làng nhỏ có tên Alino cách thủ đô Sofia 50km về phía nam.
Đằng sau hai cánh cổng xanh lớn, ngoài gà, ngỗng và lợn, có thể thấy những chú dê con chạy nhảy quanh khu vườn xanh mướt rực rỡ dưới nắng ấm. Những luống rau trải dài giữa hàng cây ăn trái trĩu quả và những bụi hoa đủ màu. Cặp vợ chồng này cho biết Bulgaria giúp họ hiện thực hóa giấc mơ “tự cung tự cấp” của mình.
Kevin chia sẻ: “Chúng tôi đã mất nhiều năm để biến ngôi nhà và khu vườn vô chủ này thành một thiên đường xinh đẹp – nơi chúng tôi có thể tự trồng thực phẩm cho bản thân”. Tina cũng bày tỏ: “Chúng tôi đã học cách sống hạnh phúc với ít tiện nghi hơn.” Những lúc không ra chợ bán nông sản của mình, cặp vợ chồng vui vẻ chăn dê cho làng, uống cà phê với hàng xóm và cải thiện vốn tiếng Bulgaria.
>> Xem thêm: Khám phá những địa danh cực đẹp tại “xứ sở hoa hồng” Bulgaria
Tự Do Tự Tại
Quan hệ thương mại giữa Anh với Bulgari bắt đầu được thiết lập từ năm 2004, khi chính quyền Sofia khởi xướng chiến dịch du lịch lớn tại Anh nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Việc Bulgaria gia nhập thị trường chung châu Âu với chính sách tự do đi lại đã khiến cho cuộc sống và việc làm ở quốc gia hoa hồng này sau 3 năm trở nên dễ dàng hơn.
Theo ông Rumen Draganov thuộc Viện Phân tích và Đánh giá Du lịch, người Anh đã mua khoảng 60.000 ngôi nhà trong khoảng 2004 đến 2008. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, dòng người nhập cư vào có giảm nhưng mỗi năm vẫn liên tục có người tới. Có lẽ lý do lớn nhất để người Anh không ngại xa xôi tìm đến nơi đây là sự tự do. Terry và Kate Humphries, một cặp vợ chồng rời ngôi nhà yên bình ở Rutland để đến ngôi làng Komoshtitsa hẻo lánh ở tây bắc Bulgaria, đồng tình: “Chúng tôi có thể làm mọi điều mình muốn. Bulgaria thực sự là nơi lý tưởng”.
Kim Sayer, kỹ sư xây dựng và sửa đường ống 56 tuổi người Norwich, là một trong những người Anh đầu tiên định cư tại làng Marcha ở trung tâm Bulgaria. Khối tài sản “khủng” của ông bao gồm một loạt nhà tự xây và bể bơi hoành tráng nhìn ra một thung lũng xanh tốt. Ông cười bảo: “Tôi không có điều kiện sống như thế này ở Anh”. Trong thị trấn Dryanovo, ở bất kỳ đâu cũng có thể nghe thấy người nói giọng Anh. “10 năm trước, chúng tôi đã nghĩ người Anh thật khác biệt, nhưng giờ thì người Anh nhiều đến nỗi bạn hầu như sẽ không để ý gì đến họ,” một cư dân tên Yariko Stefanov cho hay.
Những người bạn Anh của Stefanov là Stephen Mulhern và vợ ông Catherine. Họ rời London 3 năm về trước, sau khi nhận ra lương hưu của mình sẽ có giá trị hơn ở Bulgaria, nơi mà một ngôi nhà to có giá chưa đến 15.000 euro (khoảng 374 triệu đồng). Họ đang là chủ một mảnh đất tại làng Turkincha. Hai vợ chồng thừa nhận cuộc sống có phần khó khăn về mùa đông khi bị cắt điện hoặc tuyết rơi nhiều. “Chúng tôi biết đây không phải một đất nước giàu có, nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi nghĩ rằng đây là một nơi đẹp như cổ tích,” Catherine cho biết.
Việc chuyển tới sinh sống tại Bulgaria có thể được ví như thể bạn đang bước vào một chuyến phiêu lưu. Người nước ngoài sẽ phải bước ra vùng an toàn của bản thân cũng như xa rời một vài tiện nghi xa xỉ vốn có của mình. Nhưng với điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ, Bulgaria đang ngày một tối ưu hóa các tiềm năng của mình và sẽ đảm bảo cho các cư dân một tương lai hoàn toàn tươi sáng.
>> Xem thêm: Bulgaria – Cửa Ngõ Lý Tưởng Vào Nền Kinh Tế Và Lối Sống Của Châu Âu