Erik ten Hag đã vỡ mộng. Có lẽ chiến lược gia Hà Lan đã lường trước những khó khăn ở Old Trafford, khi nhìn vào tấm gương của những người tiền nhiệm như David Moyes, Louis Van Gaal, Jose Mourinho, Ole Solskjaer hay gần đây nhất là huấn luyện viên tạm quyền Ralf Rangnick.
Nhưng dù có chuẩn bị nhiều đến mấy, ten Hag cũng không thể ngờ được các học trò của mình lại có thể sa sút thê thảm đến như vậy. Thua Brighton 1-2 ở trận mở màn đã là một sự khởi đầu tồi tệ, nhưng tiếp tục để Brenford làm nhục, thua 4 bàn không gỡ thì đúng là một đại thảm họa. Vì đâu MU tụt dốc đến mức này?
CẦU THỦ MAN UNITED THẤP ĐẲNG CẤP, THIẾU KHÁT VỌNG
Khi nhìn vào các trận đấu của Man United ở mùa trước, đàn anh Wayne Rooney đã nói: “Tôi không nhìn thấy sự sự đoàn kết giữa các cầu thủ. Dù cùng đứng trên sân, họ không giống như một đội bóng. Các cầu thủ phải tự trách chính mình trước khi đổ lỗi cho HLV”.
Lời phát biểu của Wayne Rooney vẫn chính xác cho đến lúc này. Man United vẫn vô hồn và rời rạc như thế, còn việc các cầu thủ có cảm thấy bản thân có vấn đề hay không thì chẳng ai biết.
Trên sân cỏ, không thể luận ra được Man United đang thi triển bài vở nào của Ten Hag. Cự li đội hình vẫn tán loạn, các cầu thủ chơi bóng mỗi người một phách, các đường chuyền không đem tới thông tin. Nhìn Man United chơi bóng vào lúc này, điểm nhấn chỉ đến từ những pha xử lí ẩu đến mức không thể tin nổi và sự nhăn nhó trên khuôn mặt các cầu thủ.
Sau mỗi trận thua, cầu thủ lại nói lời xin lỗi với các CĐV trong các cuộc họp báo hay trên Instagram, Twitter. Nhưng những lời xin lỗi suông như thế không che giấu được tinh thần thi đấu tệ hại của họ. Kết quả là quan trọng, nhưng cách thua mới là vấn đề.
Man United không phản ứng tích cực mỗi khi bị rơi vào thế bất lợi. Một khi đã bị dẫn trước, khả năng để Man United lật ngược thế cờ là cực kỳ thấp. Thay vì tìm kiếm được bàn gỡ, họ thậm chí còn dễ dàng để thủng lưới và chỉ biết cúi gằm mặt.
Có cảm giác như các cầu thủ chỉ “chạy cho xong việc” và đợi tiếng còi mãn cuộc vang lên để sớm được nghỉ ngơi. Đó không bao giờ là thứ tinh thần làm nên chiến thắng và có thể, chiến thuật không phải là yếu tố tiên quyết, mà chính xây dựng lại niềm tin và tinh thần cho các cầu thủ mới là thứ mà Ten Hag cần phải sớm tìm ra biện pháp để cải thiện tình hình.
Tâm lý của các cầu thủ thì tồi tệ như vậy, còn trình độ của họ cũng không có gì khá hơn. Và khi nhìn vào sự sa sút của một đội bóng, trước khi phán xét khả năng của các tân binh còn đang cần thời gian hòa nhập, đương nhiên người ta sẽ bàn đến phong độ của những cầu thủ được coi là trụ cột đội bóng.
Không ai còn nhận ra Bruno Fernandes, “nhạc trưởng” của Man United trong 2 mùa giải gần nhất. Thực tế, tiền vệ người Bồ Đào Nha đã sa sút phong độ từ mùa giải trước, nhưng có vẻ như quãng thời gian mùa hè không giúp ích gì cho anh. Fernandes vẫn thường xuyên chuyền ẩu, để mất bóng ở những khu vực nguy hiểm và không tạo ra bất cứ dấu ấn nào tích cực.
Phía trên anh là hàng công vô hại của United với Marcus Rashford luôn cầm bóng đâm vào những nơi tăm tối nhất, một Jadon Sancho không thể hiện được bất kỳ phẩm chất nào như khi anh còn tỏa sáng ở Dortmund. Điểm sáng duy nhất trong bộ ba tiền đạo United đến từ lão tướng Cristiano Ronaldo, người đã 38 tuổi và dù đầu óc vẫn đang luẩn quẩn ý định rời bỏ Old Trafford nhưng vẫn luôn cho thấy thái độ thi đấu chuyên nghiệp và nỗ lực trên sân cỏ.
Sau lưng Bruno Fernandes là hai bệ đỡ không thể lỏng lẻo hơn mang tên Fred và Mc Tominay. Chẳng một đội bóng nào có tham vọng đua Top 4 sẽ trọng dụng một cặp tiền vệ trung tâm như thế.
Fred còn có thể bào chữa rằng anh luôn bị xếp sai vị trí, khi thường phải lùi quá sâu thay vì được dâng cao như khi còn thi đấu cho Shakhtar Donetsk, còn Mc Tominay rõ ràng là một sự trọng dụng khó hiểu của các đời HLV. Anh ta cho thấy mức lương 73.000 bảng/tuần của mình là một sự lãng phí cực lớn.
Mc Tominay thường xuyên để mất bóng, hỗ trợ tranh chấp rất hạn chế dù chơi ở vị trí mỏ neo. Chỉ tính riêng trong hiệp 1 ở trận đấu với Brentford, Tominay đã để mất bóng 6 lần ở phần sân nhà và bị thay ra ở phút 77. Rõ ràng, một cặp tiền vệ trung tâm như vậy không hề đáng tin và không thể là phương án lâu dài để chinh phục danh hiệu.
Nhưng điểm yếu nhức nhối nhất của Man United lúc này lại chính là David De Gea, cầu thủ duy nhất vẫn gắn bó bền bỉ với Old Trafford kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu năm 2013.
Trong 8 năm qua, dù vẫn ra sân đều đặn hàng tuần, nhưng có thể khẳng định trình độ của thủ mô này ngày càng tồi. Harry Maguire và các hậu vệ khác của MU luôn bị đem ra làm vật tế thần nhưng thật khó để thi đấu tốt khi thi đấu phía trước một thủ môn quá bị động như De Gea.
Trong khi các đồng nghiệp không chỉ ở Premier League mà trên khắp châu Âu đều đang phải cố gắng làm quen với việc sử dụng chân nhiều hơn và tham gia xây dựng lối chơi từ cầu môn, De Gea vẫn bảo thủ với những thói quen đã lỗi thời của mình.
Không dám dâng cao hỗ trợ các hậu vệ, không thể làm chủ vòng cấm mỗi khi đối phương nhồi bóng bổng, không chỉ đạo được đồng đội di chuyển phòng ngự hợp lý, đó là những điểm yếu quá dễ để nhận ra ở thủ môn này.
Chỉ biết dựa vào phản xạ “nhanh như điện” của mình, thứ đã giúp anh giữ chắc được chỗ đứng tại Man United trong suốt một thập kỷ qua. Nhưng phản xạ sẽ chậm dần khi tuổi tác tăng lên, và thứ giúp một thủ môn có thể tiến bộ lên và tồn tại ở một đội bóng hàng đầu là tư duy thì De Gea không chịu nâng cấp.
Trận thua thảm Brentford phơi bày hết những khuyết điểm của David de Gea. Vẫn là sai lầm tương tự trận gặp Brighton, nhưng lần này Eriksen sắm vai nạn nhân, thay vì Fred, sau khi tiền vệ người Đan Mạch nhận một đường chuyền như ném gạch vào chân của De Gea, trong khi đang bị cầu thủ đối phương áp sát sau lưng.
Trước đó, chính anh là tội đồ trong bàn thua thứ nhất của MU khi để bóng lọt vào lưới khá ngớ ngẩn sau cú sút không mấy nguy hiểm của đối phương.
CHUYỂN NHƯỢNG SAI LẦM NỐI TIẾP SAI LẦM
Đã nhiều mùa giải trôi qua, đội hình của Man United vẫn đầy rẫy những bất ổn và gần như không được khắc phục một cách triệt để. Không thể hiểu nổi tại sao, khoảng trống nhức nhối ở vị trí tiền vệ trụ vẫn tồn tại từ mùa giải này qua mùa giải khác.
Tiền vệ đúng nghĩa nhất có thể đảm đương vai trò này là Nemanja Matic, đến Man United khi đã qua thời đỉnh cao, chẳng phải cạnh tranh với ai bất kể phong độ đã không còn duy trì ở mức cao nhất, mãn hạn hợp đồng thì rời sang Roma để tái ngộ Mourinho và Man United cứ thế mà bỏ qua luôn việc tìm người thay thế.
Trong buổi tối thảm họa của De Gea, các CĐV chắc chắn càng cảm thấy đau đớn hơn nếu nhìn sang màn trình diễn đỉnh cao của Dean Henderson trong màu áo Nottingham Forest.
Hoàn toàn chủ động khi đối mặt các pha tấn công của đối thủ, tự tin làm chủ vòng cấm và chỉ huy hàng phòng ngự, thậm chí còn bắt gọn cú sút phạt đền của Declan Rice giúp đội nhà giành chiến thắng. Henderson có lẽ đang rất hạnh phúc và khiến cho giới lãnh đạo của United phải lắc đầu tiếc nuối.
Tài năng của Henderson đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao sau những mùa giải được đem đi cho mượn ở các câu lạc bộ khác. Anh đã chờ đợi cơ hội, đã trở lại Man United sau khi nhận được lời hứa hẹn về một suất bắt chính, nhưng cuối cùng anh nhận đã đó chỉ là những lời nói suông.
Và người được chọn trong khung gỗ của Man United vẫn là một thủ môn với vẻ mặt tái nhợt mỗi khi nhận bóng từ đồng đội chuyền về, và đứng chôn chân khi đối phương nhồi bóng vào vòng cấm. Thật khó để tin rằng Erik ten Hag không nhận ra những vấn đề này, nhưng ông là một phần của những lựa chọn đó.
Lisandro Martinez được đưa về, trong khi MU đã có những trung vệ như Maguire, Varane, Linderlof. Bổ sung cầu thủ là tốt, nhưng liệu đó có phải là vị trí cần tạo ra thay đổi đầu tiên hay không. Và chính bản hợp đồng này đang gây ra rất nhiều tranh cãi, khi Martinez đã thất thế hoàn toàn khi đương đầu với các tiền đạo cao to lực lưỡng ở Premier League.
Trong bàn thua thứ ba của Man United trước Brentford, dù Martinez có theo kèm, Ben Mee thậm chí còn chẳng cần bật nhảy nhưng vẫn có thể ghi bàn vào lưới United.
Rõ ràng là trung vệ chỉ cao 1m75 này đang bị ngợp ở một môi trường thi đấu khắc nghiệt hơn nhiều so với Eredivisie, và không rõ Ten Hag sẽ làm cách nào để giúp đỡ cho cậu học trò cũ hay chính ông lại là người hủy hoại sự nghiệp của cầu thủ người Argentina.
Việc “tất tay” vào thương vụ De Jong cũng không thể coi là lựa chọn đúng đắn. Đã một tháng trôi qua, Man United vẫn không thể mua được De Jong và gần như hoàn toàn vô vọng trong thương vụ này.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu MU có đề ra các phương án hai trong trường hợp vụ chuyển nhượng này bất thành hay không? Rabiot có phải là một sự lựa chọn trong hoảng loạn, hay mọi thứ đều đã nằm trong tính toán của Ten Hag và ban lãnh đạo của United?
Được biết đến là một huấn luyện viên ưa chuộng lối đá tấn công và kiểm soát bóng, nhưng ngay từ việc chọn thủ môn, ten Hag đã sai lầm. Khi tiếp quản Man City, một trong những việc đầu tiên Pep Guardiola thực hiện là loại bỏ Joe Hart, dù thủ môn người Anh khi đó cũng ở vị thế tương tự như De Gea bây giờ.
Arteta cũng phải thẳng tay trảm Leno sau khi không thể chấp nhận nổi khả năng chơi chân và làm chủ vòng cấm hạn chế của thủ môn này. Arteta làm điều đó sau khi thua ba trận, cứu được chiếc ghế của mình và còn giúp Arsenal đua Top 4 đến cuối mùa. Liệu Ten Hag có làm được như vậy?
Ông đã chọn De Gea, và giờ thì có hai phương án. Ten Hag sẽ tìm cách để thay đổi tư duy chơi bóng của thủ môn này, điều chỉ nghe thôi đã thấy thật khó, hoặc mua một thủ môn khác, khi trên ghế dự bị của United ở vị trí thủ môn vào lúc này chỉ còn mỗi Tom Heaton.
Còn một lựa chọn nữa cho ten Hag, đó là tạm thời từ bỏ việc xây dựng lối chơi từ hàng thủ, quay về với bóng dài và phản công, nhưng như vậy thì ông có gì khác biệt so với Ole Solskjaer?
Triết lý bóng đá nào cũng cần có những con người phù hợp để làm nên thành công. Ở Man United, Van Gaal đã thất bại với phong cách “chuyền qua chuyền lại”, David Moyes bất lực khi chỉ đạo các học trò chơi tạt cánh đánh đầu, Mourinho lạc lối, lối đá phản công của Solskjaer không giúp United vươn mình trở lại vị thế của một ông lớn ở Premier League.
Giờ đây, chúng ta cùng chờ đợi hình dáng của một câu lạc bộ biết “ tấn công và kiểm soát bóng” của Ten Hag trở nên rõ ràng hơn trong những trận đấu tiếp theo, sau khi nó đã gây ra quá nhiều nghi ngờ ngay từ khi bắt đầu. Hãy cùng xemlivenhanh theo dõi các trận đấu của MU trong những chặng đường sắp tới để chứng minh năng lực nhìn nhận và cách huấn luyện của Erik Ten Hag.